Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng, TS. Lê Trung Thành - Phó trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định: “Xu hướng này còn tiếp diễn, nếu nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) không được cải thiện nhanh”.
*Trong tháng 7, tỷ giá USD với VNĐ có dấu hiệu tăng. Theo ông, nguyên nhân tình trạng này là do đâu?
- Dấu hiệu tăng tỷ giá USD/VND đã xuất hiện từ quý II/2012, đáng kể nhất là từ tháng 6/2012. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng sự tăng tỷ giá này là nhẹ và vẫn trong xu hướng ổn định, không tăng đột biến như nửa đầu năm 2011.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do xu hướng giảm mạnh lãi suất VND từ tháng 6/2012, trong khi lãi suất USD hầu như không thay đổi, dẫn đến trạng thái nắm giữ các đồng tiền của các tổ chức tín dụng thay đổi và rõ ràng là USD tăng tính hấp dẫn.
Sự hấp dẫn của USD so với VND còn là động lực để các doanh nghiệp tăng mua vào USD, dẫn đến cầu về USD tăng lên.
Cầu USD tăng còn do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mua dự trữ ngoại tệ. Nửa đầu năm 2012, NHNN đã tăng dự trữ ngoại tệ từ khoảng hơn 10 tỷ USD lên khoảng 20 tỷ USD.
Mặc dù nền kinh tế vẫn hết sức khó khăn nhưng với chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và bơm tiền qua thị trường mở (OMO) từ nay đến cuối năm thì động lực mua USD của nền kinh tế là quá rõ ràng.
Cán cân thương mại tính từ đầu năm 2012 dù chỉ thâm hụt nhẹ nhưng nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất và xuất khẩu 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tăng, điều này cũng khiến cho các doanh nghiệp có động thái mua ngoại tệ để đón đầu.
* Những tín hiệu tích cực đối với cán cân thương mại và diễn biến mức độ lạm phát hiện nay có đủ để giữ tỷ giá ở mức ổn định?
- Nếu chỉ nhìn vào 2 chỉ số là thâm hụt cán cân thương mại (6 tháng: thâm hụt 0,68 tỷ USD) và lạm phát (chỉ số CPI tháng 6 là - 0,26%, tháng 7 là - 0,29%, tính từ đầu năm đến tháng 7 là 2,22%) thì không đáng lo ngại về bất ổn tỷ giá.
Mặt khác, với lượng dự trữ ngoại tệ khoảng 20 tỷ USD thì NHNN hoàn toàn có khả năng can thiệp để ổn định thị trường. Tuy nhiên, với các nguyên nhân như tôi đã phân tích ở trên, sức ép lên tỷ giá là không nhỏ.
Để có cái nhìn toàn diện, cần nói thêm rằng, một yếu tố hạn chế tỷ giá tăng trong thời gian qua là nợ xấu cao và tính thanh khoản thấp của các NHTM khiến cho lãi suất VND liên ngân hàng cao dù cho tất cả các lãi suất huy động và cho vay đều giảm, điều này buộc các NHTM phải hạn chế mua vào USD, thậm chí một số NHTM còn bán ra USD. Xu hướng này vẫn còn tiếp diễn nếu nợ xấu và thanh khoản của các NHTM không được cải thiện nhanh.
* Vậy, ông dự báo thế nào về tỷ giá những tháng cuối năm?
- Tỷ giá chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Xem xét những yếu tố từ thị trường quốc tế, khả năng đầu cơ USD từ các thị trường tài chính là khó xảy ra, kinh tế Mỹ năm 2012 cũng không thể có tăng trưởng đột biến với tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng tăng trở lại hiện nay và cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống đang đến hồi kết. Vì vậy, tỷ giá USD/VND trong 6 tháng cuối năm có thể loại trừ các yếu tố tác động từ bên ngoài.
Với những yếu tố trong nước chủ đạo tác động đến cầu ngoại tệ, nhất là lạm phát sẽ còn thấp do NHNN chắc chắn sẽ không thể bơm mạnh tiền cho một nền kinh tế hiện đang “ốm yếu”, chưa có khả năng hấp thụ vốn, tôi cho rằng tỷ giá USD sẽ chỉ tăng nhẹ trong một xu hướng ổn định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét